Đồ án quy hoạch phân khu đô thị H1-3 bao phủ địa bàn 21 phường của quận Ðống Ða gồm: Văn Miếu, Văn Chương, Cát Linh, Quốc Tử Giám, Hàng Bột, Ô Chợ Dừa, Nam Ðồng, Quang Trung, Trung Liệt, Thổ Quan, Khâm Thiên, Trung Phụng, Phương Liên, Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Ngã Tư Sở, Thịnh Quang, Láng Thượng, Láng Hạ, Phương Mai và phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng). Tổng diện tích quy hoạch này là 994 ha, trong đó khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận có diện tích hơn 73 ha. Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số của phân khu quy hoạch hơn 371 nghìn người, chiếm hơn 41% trong tổng số hơn 887 nghìn người khu vực nội đô lịch sử. Mật độ dân số cao, lên tới 40 nghìn người/km2. Vì thế, đồ án quy hoạch tập trung hạn chế gia tăng dân số trong giai đoạn từ nay đến trước năm 2030, tiến tới kiểm soát và từng bước giảm quy mô dân số theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, quy hoạch sử dụng đất nêu rõ, nhóm nhà ở mới khi thực hiện tái thiết đô thị phải bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, kết nối hài hòa với khu vực hiện hữu. Tiến hành cải tạo, chỉnh trang để kiểm soát phát triển. Ðối với các khu chung cư cũ như Hào Nam, Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Nam Ðồng, Nam Thành Công…, ranh giới phạm vi khu vực nghiên cứu, quy mô dân số, các chức năng sử dụng đất và chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc sẽ thực hiện theo dự án riêng, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc giảm mật độ xây dựng, tăng tầng cao công trình để bổ sung hạ tầng đô thị, công trình công cộng, không gian cây xanh, tạo lập môi trường sống tốt hơn cho người dân trên địa bàn. Các chung cư cũ riêng lẻ nằm xen cài trong khu dân cư hiện có khi cải tạo không được làm gia tăng dân số. Nhóm nhà ở hiện có được cải tạo, chỉnh trang, trong đó các trục giao thông và hạ tầng kỹ thuật chính khu dân cư bảo đảm mặt cắt ngang tối thiểu 4 m trên cơ sở các tuyến đường hiện trạng, hạn chế giải phóng mặt bằng, không san lấp hồ ao. Tại các quỹ đất công trống được ưu tiên bố trí các công trình sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa, sân chơi. Quy hoạch cũng định hướng sau khi các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, trường đại học, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn di dời ra khỏi khu vực nội thành, quỹ đất sẽ ưu tiên để xây dựng, phát triển công trình công cộng, không sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng.
Về tổ chức không gian và kiến trúc cảnh quan, đồ án quy hoạch phân khu H1-3 phát triển đô thị theo hình thái tự nhiên, dựa vào cảnh quan hiện có. Khai thác đến mức cao nhất cây xanh trên các tuyến phố và các khu vực công viên lớn như công viên hồ Ðống Ða, hồ Xã Ðàn, khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Liên kết hệ thống công viên thành phố, lõi xanh trong các khu tái thiết, khu ở, đơn vị ở tạo nên đô thị mang tính chất đô thị xanh, có môi trường sống tốt. Không gian đô thị toàn phân khu được xác lập chủ yếu là công trình thấp tầng. Các công trình cao tầng tạo điểm nhấn đô thị được bố trí dọc những tuyến đường vành đai, tuyến đường hướng tâm và phải phù hợp Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc tại khu vực có liên quan. Ngoài ra, các công trình điểm nhấn còn được bố trí tại khu vực chung quanh ga Hà Nội, thực hiện theo dự án riêng. Khu vực các nút giao Láng Thượng – Chùa Láng, Huỳnh Thúc Kháng – Láng Hạ, Thái Hà – Hoàng Cầu, Tôn Thất Tùng – Chùa Bộc, Vành đai 1 – Giải Phóng, Vành đai 1 – Tôn Ðức Thắng, các chung cư cũ sẽ được cải tạo, xây dựng lại. Chiều cao toàn phân khu có hướng thấp dần về phía bắc, hài hòa với các khu vực công viên cây xanh hồ điều hòa và các khu nhà ở. Khu vực thấp tầng tổ chức gắn kết với các làng xóm hiện có, vành đai xanh, hành lang xanh và các vùng cảnh quan mặt nước tự nhiên. Khu vực Văn Miếu và phụ cận được kiểm soát phát triển, không xây dựng nhà cao tầng.
Đáng chú ý, đồ án phân khu quy hoạch H1-3 đưa ra danh mục các dự án ưu tiên đầu tư để thực hiện mục tiêu kiểm soát quy mô dân số thông qua việc giảm dân số khi giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án phát triển đô thị hơn 64 nghìn người, giãn dân cơ học hơn 52 nghìn người. Phấn đấu đến năm 2030, số dân trong khu vực này giảm còn 255 nghìn người. Ðồng thời, đồ án quy hoạch nêu rõ một số dự án hạ tầng ưu tiên đầu tư đợt đầu, như cải tạo các khu nhà tập thể xuống cấp; phát triển dịch vụ tại trung tâm các đơn vị ở, khu vực dân cư làng xóm hiện có; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các trường học; hoàn chỉnh tuyến đường vành đai 1, 2, xây dựng các tuyến đường bổ sung bao quanh phân khu quy hoạch, đường trục lõi đô thị…
Quy hoạch phân khu đô thị H1-3 vừa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tập trung kiểm soát, tái thiết đô thị và giảm số dân trên địa bàn. Trong ảnh: Một góc khu vực tuyến phố Xã Ðàn, phường Trung Phụng.